Sự thật về chiều cao trung bình người Việt Nam thấp thứ 4 thế giới
Trước tầm quan trọng của chiều cao trong cuộc sống hiện đại, nhiều người bắt đầu tìm hiểu về các thông tin liên quan đến chiều cao. Kết quả tìm kiếm trên Internet đưa ra hàng loạt thông tin về việc người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới. Thực hư chuyện này như thế nào?
Chiều cao của người Việt đã có sự thay đổi trong nhiều năm qua
Chiều cao của người Việt từng nằm trong top những quốc gia thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong vài thập kỷ qua. Bạn đã nắm được chiều cao trung bình của người Việt cũng như các nước khác trên thế giới hiện nay? Tại sao lại có thông tin về việc người Việt Nam đang sở hữu mức chiều cao thấp thứ 4 thế giới?
Chiều cao trung bình của người Việt Nam
Chiều cao trung bình là mức chiều cao chung của một quốc gia, được tính theo chỉ số trung bình cộng của một nhóm đối tượng, thường là nhóm thanh niên trưởng thành (22 - 30 tuổi). Đây là độ tuổi đã cốt hóa xương, đồng nghĩa kết thúc quá trình tăng trưởng và chiều cao đã cố định hoàn toàn.
Chiều cao trung bình của nam giới khác nữ giới do tốc độ tăng trưởng có sự khác nhau về giới tính. Chiều cao trung bình của từng quốc gia/vùng lãnh thổ cũng không giống nhau bởi tình trạng dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, môi trường sống… khác biệt. Dựa vào chiều cao trung bình, con người có những đánh giá riêng về ngoại hình cũng như có kế hoạch tăng trưởng cho trẻ em và thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển thể chất.
Theo thông báo mới nhất của Bộ Y Tế, dựa vào khảo sát của Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2020, chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện nay là 168,1cm với nam và 156,2cm với nữ. Như vậy, chiều cao trung bình ở Việt Nam đã cao hơn khoảng 3cm so với 10 năm trước đây.
Chiều cao của người Việt đang tăng dần theo thời gian
Chiều cao trung bình của các nước trên thế giới
Chiều cao trung bình của các quốc gia trên thế giới đối với nam là 177cm, đối với nữ là 163,7cm. Trong đó, Hà Lan là đất nước sở hữu chiều cao lý tưởng nhất với 184cm (nam) và 171cm (nữ). Một số nước top đầu có thể kể đến:
- Montenegro: 183,4cm (nam) - 169,4cm (nữ)
- Đan Mạch: 180,4cm (nam) - 167,2cm (nữ)
- Na Uy: 179,7cm (nam) - 167,1cm (nữ)
Các nước có chiều cao trung bình thấp nhất chủ yếu nằm ở các nước Nam và Đông Nam Á, Đông Phi, Mỹ Latinh. 160,1cm là mức chiều cao trung bình của nam giới ở Lào, Đông Timo, Papua New Guinea. Trong khi đó, nữ giới ở Bangladesh, Nepal chỉ cao khoảng 150,9cm.
Ở châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản từng là các quốc gia nằm trong top có chiều cao thấp nhất khu vực. Thậm chí trước đây, chiều cao trung bình của nữ giới Hàn Quốc chỉ 142,2cm, của nam giới là 159,8cm. Tuy vậy sau 1 thế kỷ không ngừng đầu tư và chăm sóc sức khỏe toàn dân, chiều cao trung bình của nữ giới Hàn Quốc đã tăng khoảng 20cm, mức tăng của nam giới khoảng 16cm.
Sở dĩ có sự khác nhau này bởi chiều cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau:
- Di truyền: 23% chiều cao được quyết định bởi gen di truyền. Tuy nhiên đây không phải yếu tố quyết định mà hoàn toàn có thể cải thiện bởi thói quen dinh dưỡng khoa học và nghiêm ngặt.
- Dinh dưỡng: 32% là tỷ lệ tác động của chế độ ăn uống hằng ngày tới khả năng phát triển chiều cao. Những người được đầu tư dinh dưỡng đúng cách sẽ tăng trưởng thuận lợi hơn.
- Vận động: Thói quen vận động quyết định 20% chiều cao, những quốc gia có sự đầu tư về hoạt động thể dục thể thao toàn dân sẽ nâng cao tinh thần tập luyện và hiệu quả phát triển chiều cao.
- Nghỉ ngơi: Thời gian ngủ là lúc cơ thể tiến hành trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, sản sinh nội tiết tố tăng trưởng giúp tăng chiều cao. Những người ngủ ngon đương nhiên có tình trạng thể chất tốt hơn nhóm còn lại.
- Cân nặng: Tình hình cân nặng cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng chiều cao vì người thiếu cân không hấp thụ dưỡng chất tốt, người thừa cân có mô mỡ thừa đè ép xương gây tổn thương.
- Tâm lý và môi trường sống: Đây là điều kiện để cơ thể hấp thụ chất, vận động thuận lợi và ngủ ngon giấc, giúp tăng chiều cao hiệu quả.
Mỗi quốc gia có một mức chiều cao trung bình khác nhau
Vì sao lại có thông tin người Việt Nam thấp thứ 4 thế giới?
Việt Nam từng là quốc gia có mức chiều cao thấp
Nhiều người vẫn tin rằng Việt Nam hiện đang nằm trong top các quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Một phần do thông tin thiếu sự cập nhật trên các mạng xã hội. Nam giới Việt Nam từng có chiều cao trung bình ở mức 164,4cm và nữ giới là 154cm.
Dựa vào kết quả này, chiều cao trung bình của nam giới người Việt xếp thứ 182/200 quốc gia/vùng lãnh thổ, nữ giới xếp 188/200. Tuy nhiên, đây là số liệu điều tra năm 2010, và trên thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc khảo sát dân số vào năm 2020.
Chiều cao trung bình được tính ở người trưởng thành khi cơ thể đã cố định chiều cao ở khoảng 22 - 26 tuổi. Sở dĩ trước đây người Việt không có chiều cao tốt bởi đời sống kinh tế thời điểm đó còn nhiều khó khăn, dẫn đến một số vấn đề ảnh hưởng đến khả năng phát triển thể chất như:
- Dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai không được đảm bảo, trong khi giai đoạn bào thai lại là 1 trong 3 thời điểm “vàng” phát triển chiều cao.
- Trẻ sinh ra không được chăm sóc đúng cách, kinh tế khó khăn dẫn đến dinh dưỡng nghèo nàn, điều kiện tập luyện, nghỉ ngơi cũng không khoa học dẫn đến chiều cao chậm phát triển.
- Người dân chưa thực sự quan tâm đến chiều cao và chưa nắm rõ tầm quan trọng của chiều cao trong cuộc sống.
Chuyển biến tích cực về chiều cao người Việt
10 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định, điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng đã giảm nhanh chóng, thậm chí Việt Nam cũng được xem là quốc gia có kết quả cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng nhanh nhất.
Toàn dân được phổ biến về kiến thức chăm sóc bản thân bao gồm: Chế độ dinh dưỡng, thói quen tập luyện, chăm sóc giấc ngủ, tiêm chủng… Đồng thời, nhiều chương trình bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể chất được can thiệp sâu rộng đến các hộ gia đình, trường học như:
- Đầu tư bữa ăn học đường đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm các nhóm chất quan trọng tham gia vào quá trình phát triển chiều cao.
- Xây dựng nhiều sân vận động, mở ra nhiều mô hình tập thể dục trong và ngoài trường học, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể thao.
Theo dự đoán của các chuyên gia y tế, nếu duy trì sự đầu tư về các biện pháp phát triển thể chất, chiều cao của nhóm tuổi sinh sau năm 2000 sẽ còn cải thiện vượt bậc hơn. Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung, áp dụng các phương pháp hỗ trợ đúng thời điểm, đặc biệt ở tuổi dậy thì - giai đoạn tăng chiều cao mạnh mẽ nhất.
Học sinh được khuyến khích tham gia thể thao trong trường học để rèn luyện xương
Từ một nước có chiều cao trung bình thuộc top thấp trên thế giới, Việt Nam đã không ngừng đưa ra các phương án cải thiện sức khỏe thể chất và đầu tư dinh dưỡng phù hợp để tạo ra những thay đổi tích cực về chiều cao. Với kế hoạch phát triển lâu dài, hy vọng rằng trong một tương lai không xa, chiều cao của người Việt sẽ đạt mức tối ưu, sức khỏe người Việt ngày càng được nâng cao.